Phú Yên: Nông dân phá mía trồng sắn
Phú Yên: Nông dân phá mía trồng sắn
Ngày đăng: 17/06/2014
Thời gian gần đây, người dân các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đã phá bỏ nhiều diện tích mía để chuyển sang trồng sắn.
Tình trạng nông dân chuyển đổi các loại cây trồng sang trồng sắn, trong đó đáng chú ý là nhiều người chuyển từ trồng mía sang trồng sắn có thể sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu của các nhà máy mía đường và nhiều hệ lụy khác. Việc luân chuyển cây trồng hàng năm là chuyện bình thường để tăng độ phì cho đất nhưng vấn đề là ở chỗ nếu cứ chuyển đổi ồ ạt diện tích cây trồng thì nông sản làm ra sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Diện tích sắn hơn 10ha của ông Phạm Văn Ninh, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Nếu như những năm trước hơn 1 nửa trong số đó là mía thì bây giờ đã được chuyển sang trồng sắn. Đây cũng là thực tế chung của nhiều hộ khác trong vùng. Sau vụ thu hoạch mía, cánh đồng mía bị phá bỏ gốc để xuống giống vụ sắn mới. Bởi theo người dân trong vùng, trồng mía mấy năm nay không có lãi.
Ông Phạm Văn Ninh, Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, “từ đất mía chuyển qua đất mì tốn chỉ 10 triệu/ha, từ đất mía mà chuyển sang mía thì tốn 45-47 triệu, nó gấp 4-5 lần thì lỡ mà không ăn thì họ vẫn thu hồi vốn dễ chứ cây mía không thể thu được. Mía hiện nay giá vẫn được nhưng mà không thể thu hồi được vì công quá cao, trừ tạp chất quá lớn.”
Một thực tế khác hiện nay là nhiều hộ thấy giá nông sản nào cao hơn thì đổ xô đi trồng loại nông sản đó. Mặc dù địa phương đã có quy hoạch cụ thể về diện tích cây trồng và khuyến khích nên trồng cây gì nhưng thói quen canh tác theo kiểu chạy theo giá thị trường đã phá vỡ quy hoạch. Chỉ tính riêng tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, diện tích sắn, mía trên địa bàn xã là hơn 500ha, nhưng đến thời điểm này đã trồng mới hơn 400ha sắn, vượt gấp đôi so với quy hoạch. Còn cả huyện miền núi Sơn Hòa, diện tích sắn lúc này đã hơn 4500ha, vượt gần 3 lần quy hoạch.
Ông Rơ Ô Thoa, Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, “thấy giá nó lên thì mình làm, mì lên làm mì, mía lên làm mía. Bà con thì cũng ngại chỗ đó, giá cả thị trường không ổn định, chặt mía thì xe khó khăn, tiền bo quá cao, tiền công cao, bà con làm không có lãi”.
Ông Nguyễn Quốc Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, “rất khó khăn cho địa phương, thứ nhất là diện tích mía đã thay đổi, thứ 2 là cây mì chuyển đổi gấp đôi so với năm trước. Giá nông sản hiện giờ thay đổi thường xuyên không kiểm soát được nên việc này địa phương chỉ có thể làm công tác tuyên truyền vận động để bà con thay đổi dần dần bởi hiện nay tại địa phương cũng chưa có nhà máy thu mua mì chủ yếu là bán bên ngoài”.
Đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên đã xuống giống hơn 12 ngàn ha sắn niên vụ 2014-2015. Và chắc chắn con số này sẽ lớn hơn nữa khi vụ mía kết thúc. Nhiều diện tích mía sẽ được chuyển sang trồng sắn. Trong khi đó, diện tích nằm trong vùng nguyên liệu của nhà máy sắn Sông Hinh và Đồng Xuân đến năm 2015 chỉ là 11 ngàn ha. Điều này có nghĩa, hàng ngàn ha sắn sẽ không thể bán được cho nhà máy. Đó là chưa kể việc giá cả tăng giảm bất thường. Phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Một khi không có những định hướng lâu dài thì nông dân luôn là đối tượng bị thiệt hại.
- Bí quyết để sản xuất thùng giấy carton chất lượng cao.Ngày đăng:08/05/2015
- Mực in ấn cho thùng giấy carton.Ngày đăng:07/04/2015
- Doanh nghiệp sản xuất thùng giấy carton làm gì với vấn đề an toàn của nhân viên?.Ngày đăng:01/04/2015
- Chiến lược thu hút vốn cho doanh nghiệp sản xuất thùng giấy carton.Ngày đăng:31/03/2015
- Mối tương quan giữa ERP và giá thành thùng giấy carton.Ngày đăng:30/03/2015